Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 đã khép lại với nhiều cảm xúc và không ít bất ngờ và cả phần tiếc nuối. Các dự án giành giải thưởng hoàn toàn xứng đáng bởi sự vượt trội cả nội dung lẫn hình thức, có sự đổi mới và sáng tạo, hướng đến sự phát triển bền vững, xây dựng được các tiêu chuẩn gắn liền trách nhiệm với cộng đồng.
Chân dung các nhà về đích: Đổi mới và chinh phục tiêu chuẩn
Tại vòng chung kết vừa qua, dự án “Các sản phẩm ống hút, bún gạo” của Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM) vượt trội hơn so với các dự án còn lại. Dù ống hút gạo hay bún phở không phải là sản phẩm mới, đã xuất hiện nhiều trên thị trường nhưng thí sinh Trương Thị Hồng Hà đã có sự đầu tư, đổi mới trong sản xuất, hướng đến vùng nguyên liệu sạch để nâng cao đời sống của người nông dân. Nguyên liệu sản xuất hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn cho sức khoẻ con người.
Ngoài ra, ống hút hay bún phở còn được kết hợp với loại rau củ quả như: củ dền, rau ngót, gấc, hạt dành dành, cà rốt, hoa đậu biếc và gần nhất là các loại đậu không chỉ sống động về màu sắc mà còn ngon, lạ miệng. Đặc biệt, các sản phẩm này không sử dụng chất bảo quản, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP và đạt được chứng nhận FDA của Hoa Kỳ.
Nếu như các loại ống hút gạo trên thị trường sẽ nứt, mềm nhũn chỉ sau vài chục phút cắm vào ly nước thì ống hút gạo Ohuga do Hồng Hà làm ra có thời gian tan trong nước lâu, tới tận sau 2 giờ. Bún, phở sợi thẳng cũng mang lại ưu điểm tiện dụng dành cho người nội trợ, thời gian bảo quản dài và đặc biệt là có nhiều ưu thế trong vận chuyển, tiết kiệm chi phí logistic.
Xúc động khi lên nhận Cúp cùng phần thưởng 125 triệu đồng cho ngôi vị quán quân, Hồng Hà cho biết: “Tâm trạng của mình như vỡ òa khi dự án được xướng tên ở ngôi vị cao nhất. Dự án là tâm huyết của hai vợ chồng, hướng đến việc góp phần bảo vệ môi trường bằng cách tạo ra sản phẩm thân thiện, dần thay thế các loại ống hút bằng các chất liệu gây hại. Tham gia cuộc thi ban đầu cũng không vì giải thưởng nhưng thật sự là bản thân đã nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia, giám khảo từ vòng bán kết cho đến chung kết. Những vị giám khảo công tâm đã góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm về sản phẩm của Ohuga, về bao bì và cả cách phát triển thị trường. Những góp ý này thật đáng quý, mình sẽ có những thay đổi trong thời gian tới để hoàn thiện và phát triển tốt hơn.”
Cũng như Trương Thị Hồng Hà, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm – Chủ dự án “Sản xuất dược trà – khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” ở Cần Thơ cũng có sự đầu tư mạnh trong việc xây dựng thương hiệu, giành được giải NHÌ. Nguyên liệu chủ yếu từ những loại cây gia vị như diếp cá, gừng, chanh, tía tô, đinh lăng, húng chanh, rau ôm, bí đao… giá trị mang lại từ dự án là tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh theo xu hướng thiên nhiên kết hợp khoa học hiện đại và y học cổ truyền, ứng dụng công nghệ ngành dược vào chế biến nông sản – nguồn tài nguyên bản địa vô cùng phong phú và tiềm lực dồi dào. Dự án còn giúp gia tăng giá trị cho nông sản về tính hiệu quả, tính kinh tế, và bền vững, giúp thay đổi tư duy sản xuất nông sản từ thực phẩm sang “làm thuốc”, khi gắn với các tiêu chuẩn tiên tiến. Điểm đặc biệt là Trà hòa tan không cặn lắng, vị ngon, tiện dụng. Nhiều sản phẩm của dược trà đạt tiêu chuẩn Ocop 4*.
“Ở Cần Thơ, phong trào khởi nghiệp chưa mạnh, Thắm muốn tìm hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương để cùng nhau sinh hoạt, trao đổi khá ít. Về tài nguyên bản địa ở Cần Thơ còn rất nhiều, cho nên qua cuộc thi này, mình mong muốn truyền được cảm hứng, động lực để các bạn trẻ quê nhà mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế” Hồng Thắm, nêu tâm tư.
Trong khi đó, cùng đoạt giải Nhì, “Ba chàng trai sáu múi” biệt danh được nhiều giám khảo và các thí sinh đặt cho nhóm của Lương Việt Chương (Phú Yên) – Chủ dự án Vòng đời các sản phẩm từ cây sen cũng đã phát huy được những điểm mạnh như: thành phần thảo dược, biểu tượng văn hóa từ sen, ứng dụng được máy móc hiện đại trong sản xuất, đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP. Sản phẩm đa dạng đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh như: Trà lá sen ướp hoa lài tươi; Trà tim sen sao vàng hạ thổ; Sen sấy cốt dừa ăn liền; Nhang sen thảo mộc,… Bao bì cũng được nhóm của Chương thiết kế sang trọng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Với dự án này, những chàng trai sáng lập đã tạo được công ăn việc làm, tao nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
“Ba chàng trai sáu múi” cho biết, cuộc thi đã giúp cho nhóm tìm được những lời khuyên hữu ích. Như phần nhận xét của giám khảo Nguyễn Lâm Viên, phần sản xuất của dự án chưa được hoàn chỉnh theo như mong muốn. Do đó, nhóm của Lương Việt Chương sẽ có những kế hoạch cải thiện thêm về quy trình sản xuất cũng như vùng nguyên liệu và ngay cả phần bao bì, hình ảnh cũng cần cải thiện thêm.
Hướng đến cộng đồng
Hầu hết các dự án đều mang tính cộng đồng, lợi ích xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đều hướng đến các vấn đề liên quan đến môi trường.
Dự án đoạt giải BA – “Nâng cao giá trị nông sản Sơn La – Tạo sinh kế cho bà con đồng bảo dân tộc bản địa” của Bùi Phương Thanh là điển hình khi Thanh quy hoạch lại các vườn cây ăn trái và nhiều loại cây nông nghiệp của đồng bào dân tộc Thái, Xinh Mun, Mông ở Sơn La, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn, đảm bảo sự phát triển bền vững. Có được điều này, cô giáo dạy hóa đã thành lập HTX Nọong Piêu, chú trọng kết nối tiêu thụ, chuẩn hóa sản phẩm đầu ra góp phần nâng cao giá trị nông sản. Sau hơn 3 năm tận tình hỗ trợ bà con, đến nay, thành quả mà Phương Thanh thu được chính là nhận được sự tin yêu của bà con đồng bào, các sản phẩm như hồng, mận, miến dong, và nhiều loại nông sản khác đã có giá bán cao hơn, có được các mối tiêu thụ tốt tại khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
“Việc nhận được giải 3 là điều khá bất ngờ. Đây là nguồn động viên rất lớn cho cá nhân em, và nhất là những người nông dân đồng bào dân tộc thiểu số đã đồng hành cùng em trong suốt những năm qua, trong mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững hướng đến cộng đồng. Qua đây em nhận thấy rằng, để phát triển bền vững thì em cần điều chỉnh thêm về quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản, liên kết, quyền lợi của bà con dân tộc thiểu số… Sản phẩm của bên em có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng, có câu chuyện gắn liền như vậy nên em sẽ chú trọng hơn nữa vào việc xây dựng thương hiệu, làm marketing…”. Phương Thanh bộc bạch.
… và những tiếc nuối
Ở vòng bán kết, nhiều dự án được đánh giá cao, kỳ vọng đoạt giải khi kết thúc cuộc thi. Tuy nhiên, ở vòng thi cuối cùng, dù sự chênh lệch điểm số không nhiều nhưng những dự án này không đoạt được giải nào. Ở Vòng bán kết tại Hà Nội, dự án “Khôi phục làng nghề dệt lụa đũi Nam Cao kết hợp du lịch công đồng” (Thái Bình) có điểm số tốt nhất khu vực nhưng ở chung
kết, dự án này có phần trình bày thiếu ổn định nên kết quả không như mong muốn. Trong khi đó, các dự án như “Nhà của Thời Thanh Xuân” – Lâm Đồng, “Rượu trái cây lên men – Laruvie” và “Nước ép thanh long Bảo Long” cùng của Bình Thuận hay Nước mắm Vị Thanh – HTX Chế biến Thủy sản Hải Bình (Thanh Hóa) thuyết trình tốt ở bán kết nhưng cũng không thể vượt qua được nhiều dự án khác ở vòng thi cuối cùng.
Sự tiếc nuối còn phải kể đến 2 dự án “Xốt gia vị hoàn chỉnh Tri Kien Spices” của TP.HCM và “Bột rửa rau Kochu” đến từ Nghệ An. Những dự án này đều được đánh giá cao về tiềm năng và tính thực tế, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay, có doanh số bán tốt. Điểm số hai dự án này
cũng khá cao, chỉ thấp hơn 2, 3 điểm tổng trong thang điểm 100, “suýt soát” với nhóm đoạt giải. Niềm an ủi của những dự án này chính là nhận được nhiều sự chia sẻ, góp ý từ ban giám khảo, các chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp tham dự. Dù kết quả ra sao thì, với cách xây dựng và phát triển như hiện nay, những dự án này sẽ gặt hái được thành công trong thời gian tới.
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYe), Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau đồng tổ chức. Chương trình cũng đã nhận được sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp hội viên Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui phúc, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu GIBC, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, HVNCLC chuẩn hội nhập, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, Công ty Mỹ thuật Trà Quế…
KẾT QUẢ CHUNG CUỘC
GIẢI NHẤT (trị giá 125 triệu đồng):
-
Các sản phẩm ống hút, bún gạo của Trương Thị Hồng Hà (TP.HCM)
GIẢI NHÌ (trị giá 65 triệu đồng/giải):
-
Sản xuất Dược trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ)
-
Vòng đời các sản phẩm từ cây sen của Lương Việt Chương + Trần Hoàng Du + Huỳnh Hoàng Quốc Cường (Phú Yên).
GIẢI BA (trị giá 55 triệu đồng/giải):
-
NANOSALT – Muối dược liệu Việt Nam của Trần Thị Hồng Thắm + Hồ Xuân Vinh + Đỗ Thị Lụa (Nghệ An)
-
Nâng cao giá trị nông sản Sơn La – Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa của Bùi Phương Thanh (Sơn La
-
Dự án Phát triển làng nghề giấm truyền thống Bách Cốc cổ của Vũ Minh Ngọc (Nam Định)
GIẢI KHUYẾN KHÍCH (trị giá 30 triệu đồng/giải):
-
Sổ gạo – Cánh đồng sẻ chia của Bùi Ngọc Cường + Đặng Thị Vi Vi + Nguyễn Văn Nhị (Hải Phòng)
-
Dự án Cocohand nâng tầm giá trị hàng thủ công mỹ nghệ dừa của Nguyễn Băng Nhi (Bến Tre)
-
Sản xuất các sản phẩm từ quả mắc mật của Dương Hữu Điện + Dương Thị Sữa + Dương Thị Mơ (Lạng Sơn)
GIẢI DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG – GIBC (trị giá 60 triệu đồng):
-
Dự án chế biến bún ngũ sắc của Phan Thị Tố Mười (Bắc Kạn)
GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO – CÓ Ý NGHĨA CỘNG ĐỒNG (trị giá 20 triệu đồng)
-
Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê ki ma tại VN của Đỗ Thị Xuân Diệu + Nguyễn Việt Khoa + Nguyễn Thị Hoài Ngọc (Cần Thơ)
SUẤT TƯ VẤN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI (trị giá 50 triệu đồng/dự án)
-
Sản xuất các sản phẩm từ quả mắc mật của Dương Hữu Điện + Dương Thị Sữa + Dương Thị Mơ (Lạng Sơn)
-
Sản phẩm nước rong biển Seri Choice của Đỗ Thị Tú Trinh + Nguyễn Tấn Phúc (Quảng Ngãi)
-
Dự án “Cơm cháy smile” của Nguyễn Thu Hà + Nguyễn Bá Tuấn (TP.HCM)
SUẤT TƯ VẤN THỰC HÀNH LOCALG.A.P (trị giá 50 triệu đồng/dự án)
-
Dược trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản của Đoàn Thị Hồng Thắm (Cần Thơ)
-
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn Vietg.a.p. của Lê Ngọc Thạch + Bùi Tấn Tài + Lê Hữu Thuận (Đồng Tháp)
-
Sản phẩm thịt thực vật từ mít của Cao Thị Cẩm Nhung (Hậu Giang)
Ngoài ra, còn có 9 dự án được chọn tham gia khóa học và kết nối tại Thái Lan vào tháng 11.2022, do BSA tổ chức gồm: (BTC hỗ trợ 50% chi phí/dự án).
STT |
TÊN DỰ ÁN |
TÊN CHỦ DỰ ÁN |
ĐỊA PHƯƠNG |
1 |
Sản xuất Dược Trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản |
Đoàn Thị Hồng Thắm |
Cần Thơ |
2 |
Sản phẩm thịt thực vật từ mít |
Cao Thị Cẩm Nhung |
Hậu Giang |
3 |
Nhà của Thời Thanh Xuân |
Võ Thành Luân |
Lâm Đồng |
4 |
Sổ gạo – Cánh đồng sẻ chia |
Bùi Ngọc Cường |
Hải Phòng |
5 |
Làng sinh thái ven biển |
Doãn Thị Thoa |
Nam Định |
6 |
Rượu trái cây lên men – LARUVIE |
Hồ Duy Khánh |
Bình Thuận |
7 |
Bảo tồn và nâng cao giá trị trái lê ki ma tại VN |
Đỗ Thị Xuân Diệu |
Cần Thơ |
8 |
Cocohand nâng tầm giá trị hàng thủ công mỹ nghệ dừa |
Nguyễn Băng Nhi |
Bến Tre |
9 |
Cơm cháy đặc sản Smile |
Nguyễn Thu Hà |
TP.HCM |