Bước sang năm 2023, Dự án sáng tạo khởi nghiệp – SKC – tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Chương trình tập trung vào những dự án nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng chuẩn và chất, đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chuẩn để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Dự án SKC tiếp tục tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp xanh, qua đó, phát hiện và hỗ trợ các startup mới tham gia vào Hệ sinh thái khởi nghiệp SKC, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) xây dựng và triển khai từ năm 2013 một cách bền vững.
Một thập kỷ đồng hành cùng khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa
“SKC hoạt động với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp; là cầu nối kết nối nguồn lực với doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC); là mạng lưới các bạn thanh niên trao đổi kinh nghiệm lập nghiệp cùng nhau, cùng chuyên gia; Kết nối với nhau xây dựng 1 chuỗi giá trị liên kết vững mạnh. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 391 lớp tập huấn với gần 29.000 lượt thành viên tham dự. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, SKC vẫn tổ chức các chương trình tư vấn, huấn luyện, hội thảo qua hình thức online cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Mục tiêu là bổ sung và nâng cao kiến thức cơ bản, nâng cao kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng dự án kinh doanh khoa học và chuyên nghiệp. Chương trình này có sự đóng góp của gần 60 chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn” – bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ nhiệm CLB SKC cho biết.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động thực tế cho doanh nghiệp và bạn trẻ khởi nghiệp đã được dự án SKC tổ chức. Trong đó có 19 startup tour trong nước với 780 lượt doanh nghiệp, 6 study tour quốc tế với 156 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia. Ấn tượng nhất là những startup tour này đều có các chuyên gia, doanh nghiệp đi cùng, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, những bài học phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu… Hay thậm chí là những chuyến thực địa tại các nhà máy.
Hàng ngàn lượt doanh nghiệp được hỗ trợ phát triển thị trường
Bên cạnh các chương trình trên, một trong những hoạt động ý nghĩa khác tạo sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp chính là hoạt động xúc tiến thị trường trong và ngoài nước. Dự án SKC đã hỗ trợ cho 600 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 25 kỳ Hội chợ HVNCLC, 9493 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia hơn 280 Phiên chợ Xanh – Tử tế, gần 50 phiên chợ nông sản và 3 phiên chợ khởi nghiệp… Ngoài ra, 148 lượt doanh nghiệp tham gia 10 sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế như Hội chợ Quốc tế Asean – India tổ chức tại Thái Lan, Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống ThaiFex, Hội chợ Sial Thượng Hải (Trung Quốc) và chương trình kết nối online vào thị trường Úc, Hà Lan, Hàn Quốc… trong suốt nhiều năm qua.
Từ sự hỗ trợ trên của dự án SKC, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, xây dựng được những tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, FDA, OCOP… Đặc biệt, không ít DN khởi nghiệp đã đạt chứng nhận HVNCLC từ 2020 đến 2022, như Bột rau má Quảng Thanh, Mật dừa nước Ông Sáu, Chùm ngây Vườn Nhà Mình, Đinh Gia Food, Hương Đồng Tháp… Trong đó, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đã xuất khẩu ổn định qua thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, châu Á…
Điểm mới là năm 2022, các hoạt động khởi nghiệp đã được đưa vào Diễn đàn Mekong Connect tại TP.Cần Thơ với chương trình “Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường. Đặc biệt, chương trình thu hút sự quan tâm lớn nhất là kết nối thị trường giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và các hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp thu mua trong nước như hệ thống Co.op, Go và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đến từ Hà Lan, Úc…
Thành lập và tổ chức nhóm LSBC
Năm 2023, Dự án sáng tạo khởi nghiệp sẽ thành lập và tổ chức sinh hoạt nhóm Doanh nghiệp khởi nghiệp dẫn đầu (LSBC): Nhóm này có nhiều chương trình, hình thức hoạt động và học tập. Đối tượng là những doanh nghiệp có nội lực mạnh làm hạt nhân khởi nghiệp xanh, thương hiệu mạnh. Mỗi tuần định kỳ có 3 đơn vị giao lưu về hoạt động, mục tiêu, định hướng với tinh thần doanh nông doanh chủ; và sẽ có chuyên gia nói chuyện chuyên đề định kỳ hàng tháng. Kích hoạt và duy trì nhắc nhớ liên tục thương hiệu Khởi nghiệp Xanh trong mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam nói chung và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa nói riêng. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của Khởi nghiệp Xanh nhằm duy trì vị trí Top of Mind (mức độ nhận biết thương hiệu).
Tiếp tục mục tiêu nâng cao năng lực doanh nông trẻ
Mục tiêu của Dự án SKC trong năm 2023 là hướng đến việc nâng cao năng lực cho doanh nông, tạo nguồn cho hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc trẻ hoá nông dân, doanh nhân hoá nông dân (doanh nông) và công nghệ hoá nông dân, gắn với phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo, đột phá trong cách tạo nguồn nhân lực “Kinh tế xanh” cũng là mục tiêu quan trọng của chương trình.
Tập trung vào phát triển các kỹ năng kinh doanh và áp dụng các công nghệ tiên tiến khai thác hợp lý tài nguyên, đổi mới thông tin và truyền thông, khích lệ sáng tạo của các nông dân trẻ thông qua những mô hình thích ứng, đa dạng. Chương trình được thiết kế để phát triển khả năng kinh doanh nông nghiệp của các nông dân trẻ, tăng cường đội ngũ doanh nhân theo hướng kinh tế xanh.
Bà Vũ Kim Anh nhấn mạnh: Từ những mục tiêu trên, Dự án SKC sẽ có những chương trình, hoạt động phù hợp nhằm tăng số lượng nông dân trẻ, thu hút và thúc đẩy lực lượng startup trẻ tham gia tiếp tục hoặc trở lại hoặc tham gia vào những lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, thay thế những người nông dân lớn tuổi để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ những nông dân trẻ trở thành những doanh nông, hoạt động tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh chương trình kết nối xúc tiến thương mại, tạo mạng lưới hợp tác giữa các bên liên quan trên nền tảng công nghệ tiên tiến, để phát triển hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp theo hướng bền vững.
Số hoá bản đồ startup
Năm 2023, sẽ có sáu lớp tập huấn cơ bản, dự kiến tổ chức tại TP.HCM, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Nội. Đối tượng là các bạn mới có ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm mẫu mới ra thị trường để lấy ý kiến, kinh doanh dưới một năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đoạt giải tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo”, do Trung tâm BSA tổ chức, có thời gian hoạt động trên một năm cùng các thành viên HTX, làng nghề, hội nông dân các tỉnh thành có nhu cầu thực hành các tiêu chuẩn cần thiết như: Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, HACCP, ISO, LOCALG.A.P… sẽ tham gia 7 lớp tập huấn nâng cao, dự kiến tổ chức tại TP.HCM, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận và Hà Nội.
Một trong những hoạt động trọng tâm năm 2023 của SKC là thực hiện bản đồ số có nhiều lớp thông tin, sử dụng được cho yêu cầu truy suất thông tin sản phẩm địa phương, vùng miền, tính năng, tác dụng, phát triển sản phẩm có hướng hỗ trợ, phát triển bền vững nông nghiệp Việt. Bản đồ số dành cho các startup – khởi nghiệp từ nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh bền vững, các chủ thể OCOP hoặc các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng hợp tác cộng hưởng.
Trong bản đồ này sẽ số hóa toàn bộ data của hơn 1000 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp SKC của BSA. Bản đồ được phân tích theo từng lớp về mô hình, lĩnh vực hoạt động, thông tin chi tiết của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp đạt những tiêu chí, quy chuẩn Việt Nam, Quốc tế cho sản phẩm, nhà xưởng, cơ sở vật chất. Ngoài ra, công cụ này cũng giúp định vị sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, Sản phẩm có ứng dụng công nghệ, làng nghề truyền thống, làng nghề dân gian…
Chương trình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của SKC năm 2023
Hội thảo – Tọa Đàm với chủ đề “Khởi nghiệp xanh – Nông nghiệp phát triển bền vững”: Kết nối xúc tiến thương mại – thị trường trong và ngoài nước (dự kiến tổ chức tại An Giang vào tháng 4/2023 và TP.HCM vào tháng 7/2023)
Xúc tiến thương mại: Kết nối tiêu thụ sản phẩm với Nhà phân phối, các Trung tâm thương mại trong và ngoài nước (có hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp về chi phí vận hành, tổ chức).
Với thị trường trong nước: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 10/50 Phiên chợ khởi nghiệp xanh tại TP.HCM, TP.Hà Nội và một số địa phương trong khu vực Nam, Trung, Bắc.
Thị trường quốc tế: Hội chợ quốc tế Nông sản – lương thực thực thực phẩm và đồ uống Thaifex vào tháng 5/2023, hai Hội chợ Môi trường xanh phát triển bền vững và Hội chợ Nông nghiệp quốc tế công nghệ cao (vào tháng 11/2023)
Study tour học tập kinh nghiệm trong nước: SKC sẽ tổ chức 3 đợt, mỗi đợt từ 3 đến 5 ngày tại khu vực Tây Nguyên, miền Bắc và khu vực ĐBSCL.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 9: Cuộc thi được phân thành 2 nhóm.
Nhóm 1 – Dự án/Ý tưởng: Khởi nghiệp xanh – Phát triển bền vững. Có thể thêm tiêu chí mời Dự án Quốc tế có liên quan đến Nông nghiệp Việt tham gia cuộc thi (Quốc tế hoá cuộc thi – liên kết với các chương trình/giải thưởng/tổ chức quốc tế).
Nhóm 2 – Cuộc thi kể chuyện: Câu chuyện khởi nghiệp của tôi (lần 2) dành cho những dự án đã từng vào vòng Chung kết, Top 100 của cuộc thi, dự án đoạt giải qua các kỳ thi do BSA và các tổ chức khác tổ chức.