Các trường đại học Nhật Bản đang hợp tác phát triển công nghệ có thể hạn chế các cơn mưa trút nước vốn đang trở nên phổ biến hơn do biến đổi khí hậu. Theo Nikkei Asia, nhóm nghiên cứu dùng năm phương pháp khác nhau để ngăn các đám mây vũ tích phát triển thành các con mưa giông và đưa vào ứng dụng thực tế từ năm 2050.
“Bằng cách kết hợp nhiều phương pháp, chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống đa lớp có thể ứng phó với các tình huống không lường trước được”, theo Kosei Yamaguchi, giám đốc dự án và phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phòng chống Thảm họa của Đại học Kyoto.
Sáu trường đại học, bao gồm Đại học Kyoto và Đại học Ehime, cũng như các cơ quan nghiên cứu chính phủ như Viện Nghiên cứu quốc gia về khoa học Trái đất và khả năng chống chịu thảm họa, đang hợp tác để nghiên cứu các phương pháp kiểm soát này.
Ý tưởng cho dự án xuất phát từ một báo cáo nghiên cứu cho thấy luồng nhiệt do các khu đô thị và công nghiệp tạo ra các dòng không khí xoáy hơi nước gần mặt đất, kích hoạt các đám mây vũ tích hình thành và mang theo mưa lớn.
Một phương pháp khả thi để ngăn mây vũ tích là di chuyển thiết bị thải nhiệt từ các tòa nhà và nhà máy lớn sang các khu vực thông thoáng hơn.
Một ý tưởng khác là khuếch tán nhiệt tòa nhà bằng những chiếc quạt khổng lồ thổi không khí về phía khuất gió của tòa nhà, nơi nhiệt có xu hướng tích tụ.
Các phương pháp kiểm soát gió cũng đang được xem xét. Vì gió thổi chậm hơn ở độ cao thấp hơn, sự khác biệt về tốc độ tạo ra các dòng xoáy gần mặt đất. Các dòng xoáy này có thể bị triệt tiêu bằng cách tăng tốc độ luồng gió sát mặt đất bằng quạt gió.
Năm ngoái, các thành viên dự án đã làm việc trên một mô phỏng máy tính về triệt tiêu dòng xoáy. Các tính toán dựa trên dữ liệu từ các trận mưa xối xả xảy ra ở thành phố Kobe năm 2008 cho thấy cường độ mưa ở đỉnh điểm có thể giảm 27%.
Các nhà khoa học cũng đang xem xét các thủ thuật có hiệu quả đối với các vùng mưa tuyến tính – mô hình thời tiết liên quan đến mưa trút nước. Thuật ngữ này mô tả các đám mây mang theo mưa tạo thành các vành đai cố định kéo dài hàng chục hoặc hàng trăm cây số.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, do biến đổi khí hậu, số trận mưa trút nước ở Nhật Bản do các vùng mưa tuyến tính gây ra đã tăng gấp 2,2 lần so với 45 năm trước.
Dự án kiểm soát thời tiết nhằm chống lại các vùng mưa tuyến tính với khái niệm đằng sau việc tạo hạt trên mây, phương pháp cổ điển để tạo mưa nhân tạo. Thay vì rắc băng khô vào không khí để tạo mưa, băng khô được triển khai để phá vỡ các luồng không khí và hơi nước dẫn đến mưa xối xả.
Các nhà khoa học hiện đang chạy các mô phỏng trên máy tính của các kỹ thuật đang được xem xét. Họ y vọng phát triển một phiên bản thu nhỏ của công nghệ kiểm soát thời tiết để thử nghiệm trong nhà vào khoảng năm 2026.
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, lũ lụt gây ra thiệt hại trị giá 370 tỷ yen (2,6 tỷ USD) trên khắp Nhật Bản vào năm 2021. Thiệt hại lên mức kỷ lục là 2.200 tỷ yen vào năm 2019, phần lớn do bão Hagibis gây ra.
Ricky Hồ / BSA