Tiêu điểm:
Cuộc đua bầu cử tổng thống có thay đổi sau ông Trump nhiễm Covid
Kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 của Tổng thống Donald Trump cùng phu nhân có thể thay đổi cục diện những tuần vận động bầu cử cuối cùng ở Mỹ. Bloomberg nói ông Trump có thể bỏ lỡ hai cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, ông Biden cũng có thể phải tự cách ly trong ít nhất hai tuần tới bởi ông đã tiếp xúc trong cự ly gần với ông Trump trên sân khấu trong cuộc tranh luận ngày 29/9.
Sức khỏe của ông Trump có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình hình địa chính trị và kinh tế của nước Mỹ. Thị trường chứng khoán và tiền tệ trên thế giới đã sụt giảm nhẹ sau dòng Tweet thú nhận của ông Trump rằng ông và bà Melania Trump đã nhiễm Covid-19. Vì thế, từng dòng Tweet của ông Trump về tình hình sức khỏe của ông – tốt hơn hay xấu đi, sẽ ảnh hưởng đến các thị trường trong một chừng mực nào đó.
Tuy vậy, sự kiện một trong hai hoặc cả hai ứng viên của bầu cử tổng thống sẽ đẩy chính trị nước Mỹ vào tình trạng bất định hay khủng hoảng hiến pháp chưa có tiền lệ. Trong trường hợp sức khỏe ông Trump sa sút và không đảm nhiệm được chức vị tổng thống, theo Tu chính án 25 của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông có thể chuyển giao quyền lực tối cao cho Phó Tổng thống Mike Pence và tự mình điều hành đất nước khi khỏe mạnh trở lại. Hoặc trong trường hợp xấu nhất, cả ông Trump và vị phó, đều nhiễm bệnh nặng hoặc không qua khỏi, Chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi sẽ đảm nhiệm chức vụ quyền lực nhất.
Nhưng hiến pháp lại không quy định rõ như thế nào là “mất năng lực” về hành vi hay nhận thức, nên có thể bà Pelosi tự tuyên bố mình đảm nhận chức vụ quyền tổng thống, còn ông Trump và ông Pence thì nói mình đủ năng lực. Giáo sư luật Brian Kant thuộc Đại học Michigan nói rằng đây là “tình trạng trớ trêu”. Ông Kant đã từng đề nghị sửa đổi hiến pháp để đưa người đứng đầu Bộ Ngoại giao vào vị trí thứ ba, chứ không phải Chủ tịch Quốc hội. Trong trường hợp này, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ lấp vào chỗ trống quyền lực.
Hiện ứng viên Joe Biden vẫn khỏe mạnh. Ông Trump hiện dẫn điểm nhỉnh hơn chút so với ông Biden, nhưng về việc gây quỹ thì lại thua xa trong cả hai tháng 8 và 9 vừa rồi, bởi những phản ứng chậm trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19. Tuy nhiên, khả năng lôi cuốn đám đông và kêu gọi gây quỹ trong các buổi tiếp xúc cử tri của ông Trump vẫn ở mức cao. Trong buổi ăn trưa gây quỹ ở New Jersey hôm qua, ông đã quyên được 5 triệu USD.
1/ Giá vàng thế giới lúc chiều 2/10 tăng lên mức 1.916,1 USD/ounce, tăng 16 USD/ounce tương đương 449.000 đồng/lượng so với buổi sáng, sau tin Tổng thống Donald Trump và phu nhân nhiễm Covid -19. Sau đó, giá giảm nhẹ còn 1.911 USD/ounce đương 53,61 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 2,84 triệu đồng/lượng. Giá bán vàng miếng SJC tăng khá mạnh so với ngày hôm qua, lên mức 56,45 đồng/lượng, chênh lệch giá mua – bán ở mức 350.000 đồng/lượng.
2/ Trong cuộc họp báo chiều nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, trong khủng hoảng Covid-19, tăng trưởng ba quý liên tiếp của Việt Nam giảm so với cùng kỳ các năm nhưng vẫn đạt dương. Trong đó, quý 1 đạt 3,68%, quý 2 giảm còn 0,39%, nhưng quý 3 tăng 2,62%.
Trước đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến GDP cả năm đạt 2,51%. Thủ tướng nói quyết tâm tăng trưởng năm nay đạt 2,5-3% trong mục tiêu kép – vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
3/ Tính từ ngày 1/8 khi hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê,…
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 9/2020, giá trị xuất khẩu ước tính đạt 27,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
4/ So với năm 2018, việc mua sắm trực tuyến trong năm 2020 tăng trên tất cả các danh mục, cao nhất ở ngành hàng tạp hóa (1,8 lần), tiếp đến là thời trang (1,6 lần), chăm sóc sức khỏe (1,5 lần), đồ dùng gia đình (1,4 lần) và đồ điện tử (1,4 lần). Không chỉ số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng lên, mà tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng tăng mạnh tại Việt Nam. Năm 2020 đã đạt mức 7 tỷ đô la, gấp đôi so với năm 2018. Với tốc độ này, tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến được dự đoán sẽ tăng gấp 3,7 lần vào năm 2025.
4/ Theo báo cáo của Công đoàn Hà Nội, do tác động của dịch bệnh Covid-19, đến nay đã có 4.204 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp với 165.007 người lao động bị chịu tác động, mất hoặc thiếu việc làm, trong đó có 1.049 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Đồng thời, có 520 trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng bị tác động bởi dịch bệnh, với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.
5/ Chuyên gia tại Rystad Energy ước tính sẽ có khoảng 150 công ty dầu và khí đốt tại Bắc Mỹ sẽ nộp đơn xin phá sản trước thời điểm cuối năm 2022 nếu giá dầu duy trì quanh ngưỡng 40USD/thùng. Theo Wall Street Journal, dù rằng kinh tế phục hồi nhẹ, các công ty dầu và khí đốt vẫn đang chịu tác động nặng nề khi mà tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay giảm bởi hàng triệu người làm việc tại nhà, đồng thời họ cũng hạn chế lái xe hoặc đi lại bằng máy bay. Hiện tại, Hoa Kỳ đang khai thác khoảng 11 triệu thùng dầu/ngày, giảm so với con số 13 triệu thùng dầu/ngày vào thời điểm đầu năm nay.
6/ Hãng Boeing thông báo sẽ cắt giảm quy mô sản xuất máy bay Dreamliner 787 từ 14 chiếc/tháng xuống còn 6 chiếc/tháng trong năm 2021. Đồng thời hãng cũng hợp nhất việc sản xuất dòng máy bay thân rộng tại bang Washington và Nam Carolina. Trong báo cáo tài chính công bố hồi tháng 7, Boeing cho biết đã chịu thiệt hại 2,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm do hậu quả của vụ các máy bay 737 MAX bị cấm bay cũng như tác động từ đại dịch Covid-19.
7/ Thành phố Geneva sắp áp dụng mức lương tối thiểu 23 franc Thụy Sĩ (25 USD) một giờ, tương đương 3.772 franc Thụy Sĩ (4.100 USD) một tháng với tuần làm 41 giờ. Gần ba phần tư cư dân Geneva đã bỏ phiếu ủng hộ chính sách này. Mức lương tối thiểu đề xuất trên được cho là cao nhất thế giới. Theo đó, lương tối thiểu mới ở Geneva sẽ gấp 3 Mỹ (7,25 USD một giờ) và hơn gấp đôi của Anh (11,2 USD). Chính sách dự kiến sẽ được áp dụng trong tháng này. Trên thực tế, đề xuất này đã từng bị người dân Geneva bỏ phiếu không tán thành 2 lần, năm 2011 và 2014. Tuy nhiên, đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói tại đây.
8/ Chính phủ Anh công bố ngân khoản 200 triệu bảng Anh, tương đương 250 triệu USD, để xây dựng hạ tầng cảng biển mới, trong một nỗ lực tăng cường chuẩn bị cho thời điểm Anh rời liên minh hải quan chung của Liên minh châu Âu (EU). Anh đã chính thức rời EU từ tháng 1, với một quá trình chuyển tiếp kéo dài đến hết tháng 12 tới nhằm giảm bớt tác động của cuộc “ly hôn” này. Cả hai bên hiện đang bế tắc trong các cuộc đàm phán khó khăn nhằm đạt một thỏa thuận về quan hệ tương lai sau thời kỳ chuyển tiếp.
9/ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã mở cửa giao dịch trở lại vào sáng nay, giải tỏa tâm lý căng thẳng của những nhà đầu tư không thể thực hiện các giao dịch trong ngày hôm qua do sự cố kỹ thuật. Giao dịch đã bắt đầu lúc 9 giờ sáng như bình thường và dựa trên giá khởi điểm đóng cửa vào hôm Thứ tư 30/9. Sàn chứng khoán Tokyo đã thay thế thiết bị gây lỗi cho hệ thống và xác nhận rằng hệ thống giao dịch sẽ hoạt động mà không gặp sự cố. Việc ngừng giao dịch có thể đã làm mất 3 ngàn tỷ yên (28 tỷ USD) cơ hội mua và bán. Các sàn giao dịch địa phương như Sở giao dịch chứng khoán Nagoya, Sở giao dịch chứng khoán Fukuoka và Sở giao dịch chứng khoán Sapporo, sử dụng cùng hệ thống với TSE, cũng đã mở cửa trở lại vào sáng nay.
10/ Amazon công bố số liệu cho thấy 19.816 nhân viên của tập đoàn đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tính trên tổng số nhân viên tuyến đầu tại Amazon và Whole Foods Market là 1,37 triệu người thì tỉ lệ mắc bệnh tương đương là khoảng 1,44%. Số liệu này cũng bao gồm cả các nhân viên thời vụ và những người có thể đã lây bệnh bên ngoài nơi làm việc nhưng chưa bao gồm mạng lưới nhân viên chuyển phát của bên thứ ba, chịu trách nhiệm một phần giao hàng chặng cuối. Lợi nhuận của Amazon tăng phi mã trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19, nhưng hãng thương mại điện tử hàng đầu nước Mỹ liên tiếp hứng chỉ trích vì bị cho rằng đã đẩy nhân viên vào tình thế nguy hiểm.
11/ Philippine Airlines (PAL) đã khởi động một chương trình cắt giảm việc làm, có thể dẫn tới hơn một phần ba trong tổng số 7.800 nhân viên của hãng bị sa thải. Kế hoạch dự định sẽ kéo dài đến đầu tháng 12. Và vào đầu tháng 9 rồi, các nhân viên PAL được hãng thông báo rằng số việc làm sẽ bị giảm từ 21-38%. Một nhân viên của hãng cho biết hãng sẽ thực hiện cắt 35% nhân sự của tất cả các bộ phận. Hồi tháng 2, PAL đã sa thải 300 nhân viên. Hãng bay giá rẻ Cebu Aircũng đã sa thải 800 nhân viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thế giới – ngày 2/10/2020